TTO – TS quản lý giáo dục Nguyễn Vinh Quang khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
TS Nguyễn Vinh Quang trong một buổi giao lưu với sinh viên ĐH Sư phạm TP.HCM vào tháng 10-2022 – Ảnh: T.NGUYỄN
TS Nguyễn Vinh Quang đã có nhiều năm đứng trên bục giảng, từng học tập, làm việc tại một số quốc gia. Năm 2021, anh đã được Cơ quan Xúc tiến giáo dục Úc tặng bằng khen.
* Anh thường nhắc đến cụm từ “khởi nghiệp” trong những lần đi chia sẻ với các trường đại học, trung học. Vậy tinh thần khởi nghiệp với người thầy nên hiểu thế nào?
– Tinh thần “khởi nghiệp” ở đây là người thầy cũng cần tìm hiểu, lắng nghe từ phụ huynh, học sinh (hệt như bước thu thập, phân tích dữ liệu trong khởi nghiệp công nghệ – start-up)… để cung cấp điều xã hội thật sự cần chứ không chỉ là điều mình có. Vì nếu bản thân có dạy hay cách mấy nhưng kiến thức lỗi thời thì bao công sức cũng “đổ sông, đổ biển”.
Tinh thần khởi nghiệp còn ở chỗ phải liên tục cập nhật kiến thức công nghệ để tăng hiệu quả trong công tác chuyên môn. Đừng ngại “thử lửa” bản thân.
Chẳng hạn COVID-19 đem lại nhiều nỗi đau nhưng cũng từ đó giáo dục khắp nơi phát triển thêm một bậc. Một số thầy cô lớn tuổi trước đây ngại đụng vào công nghệ thì giờ đã có thể giảng bài online thuần thục.
Và tinh thần khởi nghiệp còn là luôn tìm kiếm những kiến thức hay phương pháp giảng dạy mới mẻ. Xã hội luôn vận động, giáo dục cũng không thể đứng ngoài “dòng chảy”, không tiến ắt sẽ lùi…
* Gần đây khái niệm “trường học hạnh phúc” được nhiều người đề cập, theo anh, bức tranh này cần những nét gì?
– Tôi định nghĩa “trường học hạnh phúc” là nơi bất kỳ ai cũng có thể trở thành người thầy của nhau, có cơ hội phát huy tối đa năng lực, đam mê của mình và háo hức mỗi khi nghĩ đến.
Đơn cử chúng ta thường nghĩ chỉ có trẻ nhỏ học hỏi từ người lớn nhưng cá nhân tôi lại thấy bản thân mình học được rất nhiều từ những buổi giảng dạy lẫn giao lưu với các bạn học sinh, sinh viên.
Chẳng hạn các bạn có thể non nớt vốn sống nhưng lại vượt trội hơn những thế hệ trước về kiến thức, kỹ năng dùng công nghệ.
Tôi phải thừa nhận mình đã biết nhiều hơn về các công cụ, ứng dụng hiện đại từ đó giúp việc giảng dạy của mình hiệu quả hơn. Chúng ta đang sống trong một giai đoạn mà tương lai ẩn chứa nhiều thử thách lớn.
Chẳng hạn do trí tuệ nhân tạo hiện phát triển như vũ bão, sự học theo đó vô cùng cần thiết để có thể giúp mình nâng cao năng lực cạnh tranh, “sống sót”. Cá nhân tôi học không ngừng nghỉ là vậy.
* Du học lúc trẻ thì thường khá đơn giản hơn là lúc đã có gia đình, lớn tuổi. Anh có lời khuyên gì cho mọi người nói chung, thầy cô giáo nói riêng muốn du học ở độ tuổi đã lớn và thậm chí có sự nghiệp ổn định?
– Như đã chia sẻ ở trên, ở độ tuổi nào chúng ta cũng không nên ngừng học tập, và thậm chí có thể học từ những người trẻ hơn mình rất nhiều. Dĩ nhiên du học lúc trẻ thì đơn giản hơn là khi đã lớn tuổi.
Nhưng tôi cũng muốn chia sẻ một góc nhìn khá hay mà bản thân vô tình biết được: “Tạo ra nhiều tiền thì có thể giúp chúng ta có niềm vui, nhưng tạo ra nhiều giá trị sẽ giúp mình thấy hạnh phúc”.
Một số người vẫn quyết tâm đi du học dù đã có vị trí nhất định trong lĩnh vực của mình, thu nhập vốn đã rất tốt có lẽ do họ thấy rõ mục tiêu của bản thân và chi phí cơ hội.
Chẳng hạn điều họ tìm kiếm là một cơ hội “làm mới”, nâng cấp bản thân hoặc tròn đầy hơn thế giới quan, cuộc sống của mình để từ đó có động lực tạo nhiều giá trị hơn. Khi nhiều giá trị tinh thần được sinh ra, điều đó biết đâu lại chính là “quả ngọt” mà không thu nhập, công việc nào có thể ví được.
Điểm số không phản ánh hết năng lực tiềm ẩn
Nhà trường vốn là nơi không chỉ đào tạo kiến thức mà còn cả tâm hồn của người học. Sẽ chẳng có gì tệ hơn khi chúng ta nhào nặn, biến những đứa trẻ “yếu thế” thành nạn nhân của các “cuộc chơi” của người lớn (nhà trường, phụ huynh, giáo viên… vốn phần lớn chăm chăm vào danh hiệu, điểm số của trẻ).
Trong khi đó điểm số – điều vốn dĩ không có lỗi – chẳng phải là yếu tố quyết định sự thành công hay hạnh phúc của trẻ về lâu dài. Nó chỉ mang giá trị nhất định ở từng thời điểm và hoàn toàn không phản ánh hết năng lực tiềm ẩn của một con người.
Việc chăm chăm vào điểm số sẽ khiến trẻ khó thể phát triển năng lực tự học, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm… điều chắc chắn sẽ là hệ lụy trong tương lai.
Nhất là khi hiện nhiều công ty, tập đoàn lớn coi trọng trí tuệ cảm xúc (EQ) quan trọng không thua kém gì với trí thông minh thông thường (IQ).
TS Nguyễn Vinh Quang
TS Nguyễn Vinh Quang là sáng lập viên kênh hướng nghiệp Mr.Q, từng nhận bằng khen của Cơ quan Xúc tiến giáo dục Úc năm 2021.
Từ năm 2017, anh Nguyễn Vinh Quang bắt đầu kênh hướng nghiệp phi lợi nhuận Mr.Q với mong muốn chia sẻ những thông tin liên quan đến nhiều ngành nghề khác nhau để tạo thành kho dữ liệu cho các bạn học sinh, sinh viên.