Sẵn sàng chi vài triệu đồng mỗi tháng để mua “không khí quán cà phê”, nhiều gen Z đang định hình những chuẩn mực mới về môi trường học tập, làm việc
Trừ những quán take away chuyên bán mang đi thì đa số quán cà phê ở Việt Nam thường bố trí nhiều bàn ghế, ổ cắm điện, wifi miễn phí và không hạn chế thời gian ngồi lại.
Trương Trung Ý (Trường THPT Võ Thị Sáu, TP HCM) tập trung giải bài tập trong quán cà phê
Nơi học tập, làm việc lý tưởng
Quán cà phê H. (đường Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh, TP HCM) tấp nập người ra vào mỗi buổi trưa. Bước vào cửa là thấy mát mẻ, dễ chịu bởi nhiệt độ ở mức từ 25-28 độ C. Ánh đèn ấm áp, hương cà phê thoang thoảng. Gần 50 bàn ở tầng trệt và tầng lầu đều kín chỗ. Tiếng trò chuyện, cười nói, tiếng nhạc… trộn vào nhau thành một bản hòa âm lộn xộn.
Trong không gian này, không ít người trẻ miệt mài bên máy tính, sách vở. Ở một góc quán, Trương Trung Ý (học sinh lớp 12 Trường THPT Võ Thị Sáu, TP HCM) đang giải bài tập. Trung Ý kể thường ghé quán cà phê vào sáng thứ hai và thứ ba hằng tuần như một thói quen. Sự ồn ào không làm ảnh hưởng khả năng tập trung của cậu, trừ những trường hợp cá biệt khi vài người nói chuyện như “hét vào mặt nhau”. Trước khi đến quán, Ý lập sẵn danh sách bài tập cần làm, kiến thức cần ôn tập để tối ưu thời gian. Trung Ý tiết lộ nhiều bạn cùng lớp cũng có sở thích ngồi học ở quán cà phê.
Hiện nay, cà phê không phải chỉ là nơi hẹn hò, gặp gỡ và giải trí. Nhiều ngày có mặt tại một quán cà phê mở cửa 24/24 trên đường Pasteur (quận 1, TP HCM), chúng tôi nhận ra đa số bạn trẻ đến đây để làm việc, khung cảnh không khác một văn phòng. Điều khác biệt là không gian rôm rả đủ mọi âm thanh lẫn trong tiếng nhạc. Nhiều gương mặt gần như ngày nào cũng ở đây.
Anh Nguyễn Thành Nhân (SN 2000; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) tiết lộ anh khá áp lực khi ngồi tại văn phòng: “Không gian văn phòng làm tôi thấy bí bách và luôn có cảm giác sếp đang chú ý từng hành động của mình nên rất khó tập trung hoàn thành tốt công việc. Sau dịch, từ làm việc tại nhà, tôi chuyển sang ngồi quán cà phê thì hiệu suất cao hơn”.
Anh Nhân làm công việc sáng tạo nội dung, thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng nhưng mỗi tháng phải đầu tư “mua”… không khí quán cà phê từ 3-5 triệu đồng. “Tháng “cao điểm” chạy deadline, tôi la cà hết quán này đến quán khác mới xong việc. Tôi ghiền không khí quán cà phê đến mức nếu làm việc ở nhà cũng mở “âm thanh quán cà phê” trên máy tính để nghe” – anh Nhân kể.
Lý giải cho việc thường xuyên… tốn tiền ngồi quán cà phê, chị Lê Thị Tuyết Sương (SN 1996; ngụ quận Tân Phú, TP HCM) cho rằng đến đó thấy nhiều người trẻ như mình cùng làm việc giúp chị hứng khởi, có động lực “cày” hơn và không có cảm giác bị giám sát. Chị có thể ngồi quán cà phê “thâu đêm suốt sáng” để làm việc. “Thi thoảng tôi đến quán một mình nhưng đa phần là ngồi làm việc cùng bạn bè để vừa làm vừa có thể bàn bạc hoặc trò chuyện, giải trí, nhâm nhi món nước hay món bánh yêu thích” – Sương chia sẻ.
Vào khung giờ cao điểm từ 11-14 giờ, nhiều quán cà phê tại trung tâm TP HCM chật kín
Định hình “văn phòng” thế hệ mới
ThS Tiêu Minh Sơn, giảng viên Trường Đại học Văn Lang TP HCM, nhận định rằng xu hướng thích ra quán cà phê để học tập, làm việc của gen Zngày càng rõ. Đây là thế hệ sinh ra và lớn lên ở một thời đại rất khác – công nghệ bùng nổ, điện thoại thông minh phổ biến, sử dụng các mối quan hệ mở nhiều chứ không giống như thế hệ trước là thiên về học tập, nghiên cứu trong môi trường “tĩnh” để tập trung tối đa.
Không ít gen Z “hướng ngoại” tư duy tốt hơn ở những môi trường như quán cà phê, nơi bối cảnh hình ảnh thường xuyên thay đổi và nhiều người đang cùng làm việc như họ. Ở đối tượng sinh viên, thói quen học tập ở quán cà phê còn phụ thuộc vào ngành học. Chẳng hạn, nếu là sinh viên khoa văn học, họ cần không gian yên tĩnh để có thể cảm nhận tác phẩm tốt nhất.
Tiến sĩ quản lý giáo dục Nguyễn Vinh Quang nhìn nhận gen Z đang tạo ra những thay đổi rất lớn về môi trường làm việc. Theo nhiều nghiên cứu, tới năm 2025, gen Z dự kiến sẽ chiếm 30% lực lượng lao động tại Việt Nam và con số này cao hơn ở các đô thị, dẫn đến khuynh hướng lựa chọn môi trường làm việc của gen Z sẽ là khuynh hướng chung của lực lượng lao động.
Theo ông Quang, nhìn từ đặc điểm thế hệ cho thấy gen Z có khuynh hướng tích hợp các phong cách làm việc đọc – nghe – nhìn. Do đó, họ có thể làm việc, học tập hiệu quả trong môi trường hỗn âm. “Tiếp cận nhiều sinh viên, tôi thấy các bạn quan tâm đến môi trường làm việc phải bao gồm không gian vui chơi, giải trí, tương tác, giao lưu… chứ không còn là văn phòng với máy tính và tài liệu thuần túy. Thậm chí, nhiều bạn còn mong đợi nơi làm việc là nơi có thể đến để hưởng thụ. Đây là sự tương phản khá lớn so với các thế hệ trước. Do đó, văn phòng truyền thống ngày càng phải nâng cấp. Thực tế, nhiều công ty ở Việt Nam cũng đang thay đổi mô hình văn phòng giống quán cà phê, văn phòng chia sẻ… Đương nhiên, không gian này không nên quá xô bồ, vẫn tạo điều kiện suy nghĩ những điều mới mẻ” – TS Quang nói.
Mặt khác, thế hệ Z đang thể hiện rất rõ khuynh hướng tự chủ trong công việc và mong muốn nghỉ hưu sớm (ở tuổi 40-45). Giới trẻ thường muốn tìm kiếm những công việc thu nhập chủ động (như freelancer…) nhằm tối ưu thời gian. Thay vì làm ở một doanh nghiệp duy nhất, họ có thể chọn cùng lúc 3 công việc của 3 nơi để làm. Những môi trường làm việc tự do như quán cà phê giúp người trẻ có thêm thời gian, cơ hội để kết nối, giao lưu.
Thêm một lý do gen Z chọn làm việc ở quán cà phê là muốn rời xa áp lực văn phòng. Với họ, môi trường làm việc bảo đảm sức khỏe tinh thần là rất quan trọng. Trong khi đó, văn phòng truyền thống thường tập trung nhiều thế hệ nên khả năng xảy ra xung đột cao.
Ngoài đặc điểm thế hệ, sự “định hình” không gian làm việc với những chuẩn mực mới còn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. TS Quang phân tích: “Đại dịch vừa qua tạo những bức bối cho nhiều người, nhiều thế hệ, dẫn đến khuynh hướng sau dịch, mọi người muốn tương tác nhiều hơn, muốn đến những nơi có tính kết nối, giao lưu nhiều hơn như quán cà phê”.
Ông Quang cho rằng doanh nghiệp, người quản lý phải dần làm quen và thay đổi để phù hợp với khuynh hướng lựa chọn môi trường làm việc mới của gen Z. Thể hiện rõ sự chuyển dịch này, nhiều nơi có lực lượng lao động chủ yếu là gen Z đã thay đổi từ gò bó thời gian đối với nhân viên sang quản lý dựa trên mục tiêu công việc. Từ đó, tạo điều kiện cho họ làm việc ở bất cứ nơi nào miễn phù hợp, thoải mái nhưng phải mang lại hiệu quả tốt nhất. Đây cũng là bài thuốc thử để đánh giá khi không làm việc ở văn phòng, sẽ mang lại lợi ích gì cho các bên.
Chẳng hạn, rất nhiều chi nhánh trên thế giới của Airbnb (công ty có giá trị thị trường lên tới 100 tỉ USD) đã có sự đổi mới hoàn toàn về không gian làm việc cho nhân viên. Thay vì bỏ chi phí, công sức xây dựng văn phòng, nghiên cứu làm sao để đáp ứng nhu cầu sử dụng thì họ cho phép work from home – cho nhân viên tự do làm việc ở nơi yêu thích. Kết quả, hiệu quả công việc tăng cao hơn 20% và giảm được nhiều chi phí.
Không ít tập đoàn lớn trên thế giới đã nhận ra những ai làm việc đúng đam mê, trong môi trường yêu thích thì không cần doanh nghiệp kiểm soát giờ giấc vì thậm chí họ sẽ làm việc nhiều hơn thời gian mà doanh nghiệp mong đợi với thành quả đáng nể.
Môi trường nào tốt hơn?
TS Nguyễn Vinh Quang cho rằng giới trẻ nên tự nhận định mỗi môi trường học tập, làm việc sẽ tạo ra lợi thế gì và lấy đi những gì của các bạn. Chẳng hạn, khi học tập, làm việc ở quán cà phê, dễ thấy thoải mái hơn nhưng đổi lại, với những ai không kiểm soát được bản thân thì rất dễ trôi việc. Lúc này, dù làm việc cho doanh nghiệp hay làm chủ việc cho chính mình thì hiệu quả cũng không cao.
Trước khi xác định môi trường nào phù hợp nhất, bạn trẻ phải xác định được phong cách làm việc của mình và mấu chốt là cần có kỹ năng sắp xếp thời gian, công việc hợp lý. “Quản trị” được bản thân còn giúp gen Z thoát khỏi tình trạng quá tải, mà nhiều bạn thường than phiền là: “Em không có thời gian, một ngày trôi nhanh quá!”.