SVVN – Nằm trong khuôn khổ chương trình giao lưu ‘Nâng bước thủ khoa’ 2022, với chủ đề “Khởi nghiệp cuộc đời”, 80 tân thủ khoa, á khoa của các trường đại học khu vực phía Nam và hơn 100 sinh viên của trường ĐH Mở TP. HCM đã có dịp nghe những chia sẻ và trao đổi cùng với TS Nguyễn Vinh Quang (Founder Tổ chức hướng nghiệp quốc tế Mr. Q).
‘Vũ khí lợi hại để sinh viên cạnh tranh với các đối thủ của mình’
Chương trình do báo Tiền Phong phối hợp cùng trường ĐH Mở TP. HCM tổ chức vào chiều 30/11.
TS Lê Nguyễn Quốc Khang – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Mở TP. HCM chia sẻ với sinh viên tại chương trình.
Với 20 năm kinh nghiệm hỗ trợ và tư vấn cho sinh viên trong và ngoài nước, TS Quang cho rằng, học đại học không phải là cái để làm, mà đó là cái nên làm. Vì thế, theo ông Quang, sinh viên cần phải tự trau dồi thêm những kỹ năng bên ngoài nhà trường, đó được xem là hành trình khởi nghiệp đầu tiên của sinh viên trên quãng đường đại học. Ngoài ra, diễn giả còn khuyên sinh viên không nên nhìn nhận vấn đề theo một đường thẳng rập khuôn. Để làm được điều đó, TS Quang cho biết, việc đầu tiên sinh viên cần phải thực hiện đó là lập cho bản thân một bản kế hoạch cụ thể trong 4 năm học và trong 5 năm sau đại học.
TS Nguyễn Vinh Quang chia sẻ với các bạn sinh viên. (Ảnh: Ngô Tùng)
Nói về cơ hội việc làm trong thời điểm hiện tại, diễn giả khẳng định, đây chính là thời điểm khó khăn nhất trong suốt những năm qua, nhưng trong những thách thức đó, cơ hội vẫn mở rộng với những sinh viên biết nắm bắt: “Hiện tại, các doanh nghiệp với những công nghệ mới trong thời đại 4.0 đã thu hẹp một lượng lớn nguồn nhân lực truyền thống. Thay vào đó, doanh nghiệp đòi hỏi nhiều hơn ở nhân viên của mình, không chỉ cần kiến thức sách vở mà kinh nghiệm thực tiễn cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới cơ hội việc làm của sinh viên. Vì thế, sinh viên hãy cố gắng dấn thân và thử thách ở những lĩnh vực mà mình đang theo học để rút ra kinh nghiệm nhiều hơn. Đó chính là vũ khí lợi hại để sinh viên cạnh tranh với các đối thủ của mình”.
80 tân thủ khoa, á khoa của các trường đại học khu vực phía Nam đã nghe những chia sẻ của TS Nguyễn Vinh Quang. |
Những vấn đề nổi cộm được giải đáp
Đặt vấn đề với diễn giả, Lê Quang Thiên Vũ (năm thứ nhất, trường ĐH Mở TP. HCM) cho biết, cậu đang phân vân về thứ tự ưu tiên giữa những trải nghiệm của bản thân và việc học tập kiến thức trên giảng đường đại học.
Giải đáp vấn đề của Thiên Vũ, TS Quang cho biết, khi đi làm thực tế bên ngoài, sinh viên cần đáp ứng cả 2 yếu tố là kỹ năng thực tiễn và kiến thức tích lũy. Nhưng theo TS Quang, hầu hết các bạn sinh viên hiện nay, thậm chí là những người đã đi làm hiểu rõ điều này, nhưng không quản trị được nó. “Trong quãng đường phát triển của mỗi người, đôi lúc chúng ta cần phải chấp nhận hy sinh. Với sinh viên, đó là lựa chọn hy sinh giữa những trải nghiệm cá nhân và kiến thức trên giảng đường. Sinh viên cần phải biết yếu tố nào cần thêm vào danh sách ưu tiên của bản thân để từ đó tập trung phát triển điều đó”, TS Nguyễn Vinh Quang chia sẻ thêm.
Các bạn sinh viên cùng chụp ảnh lưu niệm tại chương trình.
TS Nguyễn Vinh Quang cũng lưu ý với các sinh viên về mức độ thay đổi thứ tự ưu tiên trong từng độ tuổi, mỗi quyết định đánh đổi đều có giá trị riêng của nó, vì thế, sinh viên cần chú trọng vào vấn đề này để đưa ra những đánh đổi đúng đắn.
Câu hỏi được nhiều bạn sinh viên trong hội trường hưởng ứng đến từ bạn Dương Hữu Nhược (trường ĐH Đà Lạt), Hữu Nhược đặt vấn đề với TS Nguyễn Vinh Quang rằng, tại sao sinh viên lại mang trong mình tư duy làm nhân viên mà không phải làm chủ.
Lý giải điều này, TS Quang chỉ ra vấn đề chính là nằm ở bản lĩnh của từng người. “Bản lĩnh của người làm doanh nghiệp rất khác bản lĩnh của một người đang tiếp thu kiến thức như sinh viên. Nhưng không có nghĩa là sinh viên không dám bứt phá, trước hết các bạn cần trau dồi thật tốt những kiến thức mình có thể lãnh hội hiện tại rồi hẵng tính đến chuyện bứt phá tư duy”, TS Nguyễn Vinh Quang nói.
Sinh viên có nhiều trải nghiệm sau chương trình
Ngoài tham dự buổi giao lưu kỹ năng tại trường ĐH Mở TP. HCM, các bạn tân thủ khoa đã được trải nghiệm bữa ăn tối tại nhà hàng Ramkhamhaeng (Q. 3) với các món mang đậm phong cách Thái Lan. Nhiều sinh viên cho biết, đây là lần đầu tiên thưởng thức ẩm thực Thái, các món ăn cực kỳ lạ miệng và cuốn hút.
Không gian đặc trưng của nhà nhà hàng Ramkhamhaeng.
Các bạn sinh viên được thưởng thức các món Thái tại nhà hàng. (Ảnh: Phong Nguyễn)
Anh Bảo, chủ nhà hàng Ramkhamhaeng cho biết, anh cũng từng là sinh viên và đất nước anh đến đầu tiên trong quá trình học tập chính là Thái Lan, từ đó anh đã bén duyên với đất nước xứ Chùa Vàng và đặc biệt yêu thích những món ăn tại đây. Và đó cũng là nguyên nhân anh quyết định mang những món ăn đó về Việt Nam để kinh doanh.
Ban đầu, tình hình kinh doanh của quán gặp rất nhiều khó khăn vì khẩu vị của người Việt không ưa chuộng những món ăn quá chua, hay quá cay của Thái. Vì thế, anh Bảo đã nghiên cứu để chế biến lại, tìm ra một hương vị phù hợp hơn với người Việt mà không làm mất đi tính nguyên bản của món Thái.
Chương trình còn nhận được sự hỗ trợ của Công ty CP xe khách Phương Trang trong việc đưa đón các sinh viên về TP. HCM dự chương trình Lễ vinh danh ‘Nâng bước thủ khoa’ 2022. (Ảnh: Phong Nguyễn) |
Nói về việc hỗ trợ các bạn thủ khoa trong chương trình ‘Nâng bước thủ khoa’ 2022, anh Bảo cho rằng, với tư cách là một công dân, anh có nghĩa vụ góp phần phát triển đất nước. Vì thế, những đóng góp cho những mầm non tương lai của đất nước, như để các bạn thưởng thức một bữa ăn ngon miệng là việc làm đầu tiên anh nghĩ đến. Trên hết, anh Bảo mong muốn đây sẽ trở thành một nguồn động lực giúp các bạn tiếp tục phấn đấu.
Ngoài trải nghiệm nhà hàng Thái Lan, buổi tối 30/11, các bạn tân thủ khoa còn được tham quan tòa nhà Vincom Landmark 81.
Như Việt – Phong Nguyễn – Hà Chi